[img]
[/img]
Cáp treo
Suốt dải đất miền Trung, mở cửa thấy biển, quay đầu thấy núi. Một số thành phố như Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng, biển là một không gian mênh mông, vô tận ngay trước thềm nhà.
Việc tắm biển, giỡn sóng, nghịch cát, nhìn mông lung về phía chân trời, thả cho những ước mơ trai trẻ vỗ cánh bay đến tận cùng biên giới của sự tưởng tượng được chia đều cho tất cả mọi người.
Còn núi thì khác, thấy đấy, nhưng đến được không dễ, vì muốn hưởng chút khí vị non cao, có khi mất cả ngày đường.
Riêng Đà Nẵng, với Bà Nà, việc ấy tưởng như trở bàn tay, có thể đi về trong ngày, hoặc chiều xuống trăng lên, nếu có hứng, cùng vài người bạn tâm giao, rủ nhau lên Bà Nà uống rượu, thưởng trăng, ngủ một giấc, mai về. Bà Nà như mảnh sân thượng của thành phố Đà Nẵng. Đi bằng xe hơi hoặc, tự do hơn, dùng ngay chiếc xe máy trong nhà, muốn lúc nào, đi lúc ấy.
Bà Nà - Núi Chúa là một khu nghỉ mát núi cao có từ thời Pháp thuộc. Từ Đà Nẵng, theo tỉnh lộ số 602, chạy hướng Tây-Nam khoảng 25km, trong khi từ Huế vào Bạch Mã mất gần 60km.
[img]
[/img]
[img]
[/img]
[img]
[/img]
[img]
[/img]
[img]
[/img]
Trong sơn hệ Trường Sơn lô xô, Hải Vân là nhánh núi hùng vĩ nhất rẽ ngang, đâm ra tận biển, dầm chân trong nước mặn. Hải Vân còn là một nhánh núi hướng Tây Nam - Đông Bắc thẳng góc với hướng Tây Bắc - Đông Nam của hệ núi chủ. Chính yếu tố này, với cao độ các đỉnh biến thiên từ 1.200m đến 1.600m, nhánh Hải Vân hứng trọn lượng mưa theo gió mùa Đông Bắc từ lục địa Hoa Nam thổi về, tạo nên sự khác biệt khí hậu giữa Bắc và Nam Hải Vân. Phía Bắc, khu vực Bạch Mã - Cầu Hai - Lăng Cô, lượng mưa xấp xỉ 3.800mm/năm, một trong ba vùng mưa lớn nhất nước ta.
Trong khi đó, Nam Hải Vân, khởi đầu cho hệ Trường Sơn Nam, lượng mưa ít hơn hẳn. Chẳng thế mà ông Tản Đà khi vượt đèo Hải Vân vào Đà Nẵng đã phải thốt lên: “Hải Vân đèo lớn vừa qua/ Đang mưa xuân bỗng đổi ra nắng hè…”.
[img]
[/img]
ù vậy, với hơi ẩm thường xuyên đưa từ biển vào, thảm thực vật Bà Nà cũng không kém phần xanh tốt. Ở độ cao 1.450m, tương đương Bạch Mã của Thừa Thiên - Huế, Bà Nà quanh năm rực rỡ như một vườn xuân với vô vàn sắc hoa cận ôn đới. Những đóa cẩm tú cầu căng tròn, mũm mĩm có khi còn hơn cả Đà Lạt nữa. Khá nhiều chủng loại cẩm tú cầu hoang dại chưa được thuần hóa rải rác bên đường. Một loài lan đất thường gặp ở những độ cao trên ngàn mét, nở đầy núi như cỏ dại, chìa ra những cánh môi rung rung trước gió. Những bụi mua rừng lá lớn, vạm vỡ, hoa to, trái mọng đầy những gai mềm thẫm sắc, biểu hiện một sức sống hoang dại, tràn trề sinh lực ít gặp ở những vùng núi khác.
Thú vị hơn cả là lên Bà Nà ngắm cảnh. Từ độ cao non một cây số rưỡi ấy, nhìn về phía Đông, không gặp bất cứ một vật cản nào. Tất cả trải rộng dưới chân, từ đồng bằng Hòa Vang đến những dãy đồi lúp xúp của Hòa Cường, Hòa Trung , Sơn Phước v.v… Bà Nà cho phép người ta thu vào trong tầm mắt cảnh quan cả một vùng non xanh nước biếc từ vịnh Hàn đang gom nước từ sông Qua Giang, sông Hàn ở phía Nam đến sông Cu Đê ở phía Bắc.
Người ta có thể dễ dàng ngắm bán đảo Sơn Trà, ngắm mũi Cửa Khảm có yên ngựa Hải Vân, nơi vua xưa đã xây Hải Vân quan với bia đề Hải Vân đệ nhất hùng quan ở độ cao 495m trên Quốc lộ I. Trời trong, có thể nhìn thấy thác Bạc của Bạch Mã phía Tây Bắc đang tuôn trào trắng xóa trên nền núi thẫm.
[img]
[/img]
Bà Nà có những cầu treo chênh vênh qua vực núi, nối đỉnh non này với đỉnh non kia, tạo cảm giác kỳ thú cho những ai ưa mạo hiểm. Bà Nà cũng có cáp treo, tám cabine luân phiên đưa người băng qua khoảng không trong hồi hộp.
Đặc biệt, người Đà Nẵng đã dựng trên đỉnh cao chon von này một ngôi chùa đồ sộ, một tượng Phật đồ sộ bằng đá trắng Ngũ Hành Sơn, chùa Linh Ứng. Không biết ngôi chùa này đã cao nhất Đông Nam Á, lớn nhất Đông Nam Á chưa, nhưng để xây dựng một ngôi chùa, một tượng Phật như thế ở độ cao này quả thật cũng là một kỳ công.
Nếu có một điều gì buộc phải nuối tiếc thì điều đó chính là: “Nếu Bà Nà - Núi Chúa có được một bàn tay, một cặp mắt, một cái đầu tư duy quy hoạch và kiến trúc kỹ lưỡng hơn, giàu tính thẩm mỹ hơn hòa hợp hơn với một toàn cảnh thiên nhiên vốn không kém trữ tình của một vùng nước non diễm lệ”.